Thời trang đường phố Việt Nam – trên đường hội nhập

“Thời trang đường phố Việt” luôn là một keyword rất hot trong cộng đồng các bạn trẻ hiện nay. Qua bài viết này, ELLE Man muốn đưa đến cho các độc giả một cái nhìn tổng quan về xu hướng thời trang đường phố của giới trẻ Việt Nam cũng như tình hình phát triển của những local brand hiện nay.

“Fashion never die” – Thời trang là một cuộc đua không bao giờ có hồi kết, là một lĩnh vực luôn luôn có sự cập nhật xu hướng và cải tiến. Thời trang, từ thời điểm này qua thời điểm khác, luôn được cách tân bằng nhiều hình thức khác nhau để phù hợp với nhu cầu của những tín đồ hiện nay.

Đi ngược thời gian về giai đoạn những năm 2000, là thời điểm mà khởi nguồn của văn hóa đường phố được du nhập và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam – nền văn hóa Hip-Hop và B-boying. Ở đó cũng là nơi thể hiện cái tôi, cá tính riêng biệt của mỗi cá thể khi đã vô tình bị nền văn hóa này mê hoặc. Đôi lúc chỉ là một đoạn nhạc với tiết tấu nhanh hơn bình thường với những âm điệu bắt tai cũng đã làm chúng ta gật gù, và đôi chân bắt đầu nhúng nhảy không dừng lại. Từ thời điểm đó, thời trang đường phố cũng bắt đầu du nhập vào Việt Nam, với phong cách quần thụng áo rộng, trang sức lỉnh kỉnh, nón snapback đi cùng những đôi giày hầm hố đầy màu sắc. Những hình ảnh ấy cho tới nay vẫn còn in đậm trong tâm trí những bạn trẻ Việt đời đầu trong nỗ lực mang văn hóa đường phố đến gần hơn và phổ biến hơn trong cộng đồng trẻ. Và sự phát triển thời trang đường phố Việt vẫn đang tiếp diễn từng ngày, đi cùng những cải tiến về phong cách, màu sắc và chất liệu phù hợp với tốc độ phát triển của thế giới.

Trước làn sóng du nhập mạnh mẽ của các thương hiệu casual nước ngoài trong những năm gần đây, những thương hiệu thời trang đường phố Việt Nam vẫn không hề nao núng. Bằng cách liên tục tung ra những bộ sưu tập mới, với những hình ảnh được đầu tư kỹ lưỡng, đi kèm sự cải tiến về chất lượng, cùng với sự trau chuốt trong mặt quảng bá hình ảnh, các local brand cho thấy họ vẫn ổn định và được duy trì, không hề kém cạnh với các thương hiệu nước ngoài

Trong vài năm trở lại đây thật sự là một cột mốc đáng được ghi nhận, khi các local brand Việt Nam đã và đang dần phát triển mạnh mẽ, được đón nhận cuồng nhiệt từ phía các bạn trẻ ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Có thể kể đến một vài local brand nổi bật như Peace United Streetwear, Headless, The Collectors, Freakers,… Họ là những founder trẻ, dám nghĩ dám làm, và cái tôi cùng cá tính của họ liên tục được thể hiện qua những sản phẩm họ làm ra. Với tất cả tâm huyết cùng đam mê phát triển cộng đồng, họ đã thổi hồn vào những đứa con tinh thần của mình một giá trị rất đặc biệt, rất xã hội để cùng “cháy” trong dòng chảy thời trang đường phố hiện nay.

Liên tục học hỏi để bắt kịp xu thế là một trong những yếu tố chính tạo nên sự thành công hiện tại của thời trang đường phố Việt Nam. Thế nhưng, sự việc nào cũng có hai mặt của nó khi một vài founder trẻ đang vô tình nhầm lẫn (hoặc là cố tình) giữa việc “đón nhận cảm hứng” và “vay mượn ý tưởng” từ những local brand khác. Thời trang đường phố đem đến cho chúng ta định nghĩa về sự sáng tạo không giới hạn, không có quy chuẩn hay thước đo nào có thể đánh giá được, nhưng thời trang không chứa chấp cho sự đạo nhái và lười biếng. Sức hút của những sản phẩm đến từ những local brand nổi tiếng sẽ là một miếng mồi ngon để những local brand trẻ hơn lôi ra xâu xé. Một bộ phận giới trẻ không có khả năng chi tiêu cho những brand quá nổi tiếng, thì họ sẽ mang nhu cầu đó tìm đến những brand với các sản phẩm có những nét tương đồng về mặt giá trị nghệ thuật nhưng có giá thành thấp hơn để đáp ứng nhu cầu thời trang của mình. Chính điều đó đã vô hình trung tạo nên căn bệnh “lười sáng tạo” trong chính founder của các local brand trẻ. Họ muốn sản phẩm của mình được mọi người đón nhận, nhưng mặt hình ảnh lại là vay mượn từ những tác phẩm nghệ thuật, không thể hiện được cái tôi riêng của chính mình và rơi vào vết xe đổ về ranh giới mỏng manh giữa “lấy cảm hứng” và “đạo nhái”. Càng nhiều những ý tưởng giống nhau, đơn thuần chạy theo phong trào sẽ càng tạo điều kiện cho sự nhàm chán và “một màu” của thời trang đường phố nước nhà mà bấy lâu nay cộng đồng đang xây dựng.

Bên cạnh việc đi sai hướng của các local brand trẻ, thì một vấn đề khác cũng nóng không kém đến từ những tín đồ thời trang, đó chính là việc các bạn không có chính kiến riêng về phong cách của mình. Điều đó thể hiện qua việc đang có quá nhiều cá nhân trong cộng đồng đua theo những item đắt tiền, với suy nghĩ khoác những bộ quần áo như thế lên người sẽ thu hút được sự chú ý của người khác. Các bạn có thể bất chấp mọi thứ, chi trả rất nhiều tiền cho một bộ outfit để thể hiện sự nổi trội của mình so với cộng đồng, nhưng không hề cân đo đong đếm xem bộ cánh ấy có thực sự phù hợp với thể trạng, cũng như đã thể hiện đúng cá tính của mình hay chưa. Họ đang “gồng mình” chạy theo những thứ khiến đám đông thích thú và bàn tán chứ không phải những thứ bản thân thật sự đam mê. Điều này vô hình đã và đang giảm đi giá trị thực sự cũng như ý nghĩa mà thời trang đường phố mang lại.

Tuy mỗi người sẽ có mỗi quan điểm về hình thức và tính chất thời trang khác nhau, nhưng việc có thể “học hỏi” luôn là yếu tố hàng đầu để đẩy mạnh danh tiếng cho các local brand nói chung và những tín đồ thời trang đường phố nói riêng. Sẽ thật tuyệt đời khi thấy cộng đồng trẻ Việt Nam khẳng định bản thân mình thông qua những item thời trang độc đáo, cá tính mang đậm nét sáng tạo riêng biệt của những local brand, để bạn bè quốc tế công nhận rằng người trẻ Việt Nam chúng ta cũng có một nền văn hóa đường phố không thua kém bất kỳ quốc gia nào.